Tìm kiếm tin tức

 

 

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024)
Ngày cập nhật 23/07/2024

   

         I. Sự ra đời của ngày Thương binh - Liệt sĩ:

       Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, đổ máu trên các chiến trường. Với lòng tiếc thương vô hạn, người sống tự nói với lòng mình: "Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất". Được sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, kế thừa truyền thống “nhân ái, thủy chung” của dân tộc, nhân dân ta đã dành tình thương yêu chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh chị em thương binh, bệnh binh một cách tận tình, chu đáo.

       Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ bị nạn” ra đời ở Thuận Hóa (Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu được đổi thành “Hội giúp binh sĩ bị thương”. Ở Trung ương có Tổng Hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.       

        Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19/12/1946, theo lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, Nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề lớn của toàn xã hội.

        Trước yêu cầu bức xúc đó, ngày 16/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc Lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.

        Ngày 26/02/1947, Phòng Thương binh (thuộc Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam) được thành lập, đến đầu tháng 7/1947, Bác Hồ đã đồng ý cho thành lập Ban vận động tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”.

         Đến tháng 7/1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.

        II. Sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công:

      Trong thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”ngày 27-7-1947, Bác viết:“…Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó đã ốm yếu. Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ những người anh dũng ấy”. Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (ngày 5-1-1960), Người nhấn mạnh:“Máu đào của các liệt sĩ đã làm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ …”.

         Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của Tổ quốc là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho cả muôn đời con cháu mai sau. Việc chăm sóc gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng là nghĩa vụ, trách nhiệm, niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của tất cả mọi người dân.

       Ngày nay, công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã phát triển rộng khắp cả nước với nhiều chương trình như: xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, chăm sóc thương binh, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng... Cả nước đã xây dựng hàng chục nghìn công trình tình nghĩa với giá trị nhiều nghìn tỷ đồng, với hơn 2.000 nhà bia tưởng niệm ghi tên liệt sĩ, gần 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, nhiều nghĩa trang liệt sĩ đã trở thành những công trình văn hóa - lịch sử.

        77 năm qua, hàng trăm văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, sắc lệnh, pháp lệnh, thông tư hướng dẫn của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với nước đã được ban hành là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta. Quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cơ sở vững chắc ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.

        III. Phường Gia Hội với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công :

Qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, giành độc lập và bảo vệ tổ quốc trên địa phường có 01 cán bộ Lão thành Cách mạng; 05 cán bộ Tiền khởi nghĩa; 03 mẹ Việt Nam Anh hùng; 101 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, 26 thương binh; 02 bệnh binh; 03 tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học; 08 Có công cách mạng và nhiều thế hệ cán bộ và nhân dân phường đã góp phần xương máu của mình cho sự nghiệp cao cả đó. Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường luôn quan tâm chăm sóc gia đình Thương binh, Liệt sĩ và người có công với cách mạng, xác định đây vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của mình, đồng thời công tác này được duy trì và phát triển rộng khắp, thu hút sự tham gia đóng góp của các cấp, các ngành, các đoàn thể và các tổ chức xã hội. Hiện nay, trên địa bàn phường đang quản lý 150 người.

        Trong những năm qua  theo Nghị định 80/NĐ-CP ngày 22/11/1995,  cứ vào dịp tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày TBLS, Đảng ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức Đoàn thể, tổ dân phố tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình và người có công với cách mạng; cấp thẻ BHYT cho đối tượng chính sách và đối tượng là con đẻ của liệt sĩ hàng năm, chế độ điều dưỡng tại gia đình cho các đối tượng; sửa chữa nhà ở gia đình chính sách khó khăn.

       Điều đáng phấn khởi đối với địa phương, trong điều kiện còn khó khăn, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và bằng ý chí và nghị lực của mình, nhiều đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất, trong học tập, công tác. Không chỉ chăm lo cho cuộc sống gia đình mình mà còn tiếp tục có những cống hiến, đóng góp cho quê hương, đất nước, tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp và nêu gương sáng để mọi người học tập, noi theo. Những việc làm nghĩa tình thiết thực đó thể hiện đậm nét đạo lý của dân tộc ta"Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", là nét đẹp trong đời sống văn hoá của Nhân dân ta, tăng thêm lòng tin của Nhân dân với Đảng, là nguồn cổ vũ lớn lao, động viên khích lệ mọi tầng lớp Nhân dân, góp sức đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

       Hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày thương binh, liệt sĩ năm 2024, Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMT TQVN phường đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động với nhiều nội dung thiết thực như: tổ chức thăm và tặng quà các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức Lễ tọa đàm kỷ niệm 77 năm ngày thương binh, liệt sĩ; Hội CCB phối hợp với Đoàn TNCSHCM phường tuyên truyền giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên, Đoàn thanh niên, Ban chỉ huy Quân sự phường tham gia chương trình “Thắp lửa truyền thống sáng mãi niềm tin”, tổng dọn vệ sinh. hàng năm công tác vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của phường được nhân dân đồng tình hưởng ứng, vì mỗi một cán bộ và người dân trên địa bàn phường đều nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của công tác đền ơn đáp nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”.

         Ngày 27/7 hàng năm là ngày tri ân những người có công với đất nước, là dịp để toàn Đảng, toàn dân tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Tưởng nhớ, tri ân với người có công với đất nước không chỉ một ngày, một đợt, một lễ kỷ niệm mà cần hơn là những việc làm thiết thực, thường xuyên./.

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 646.870
Truy cập hiện tại 11